Wewiin

Thị trường giáo dục trực tuyến bùng nổ, thời điểm vàng đổ vốn đầu tư?

14/11/2019 874 lượt xem

Với quy mô 2 tỷ USD và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thị trường giáo dục trực tuyến (E-learning) Việt Nam đang thu hút sự quan tâm cùng nguồn vốn đầu tư lớn từ các quỹ ngoại.

Thị trường tiềm năng


Việt Nam hiện nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018, theo nghiên cứu của Ambient Insight. Giá trị của các start-up về EdTech (công ty công nghệ chuyên về giáo dục) toàn cầu được ước tính hơn 190 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến vượt 300 tỷ USD vào năm 2025.


“Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có sức ép lớn về dân số, kinh tế như Ấn Độ, Philippines, Mexico... đã đưa ra những quan niệm rất hay về giáo dục trực tuyến. Họ coi E-learning như cơ hội để đuổi kịp và san bằng khoảng cách với các nước phát triển. Tôi nghĩ, đó là điểm mà Việt Nam nên tiếp thu và học tập. Chúng ta cần xem xét và đặt giáo dục trực tuyến lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Đây là cơ hội để đột phá, san bằng khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam với các nước trên thế giới”, ông Nguyễn Thành Nam, sáng lập Đại học Trực tuyến FPT (FUNiX) nói.


Gần 10 năm trước, tại Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp trong nước tiên phong với mô hình E-learning như Violet.vn, Hocmai.vn, Topica… và khá thành công. Đơn cử, Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn đã thu hút 3,5 triệu thành viên tham gia, hay gần đây, Topica kêu gọi được 50 triệu USD... Điều này chứng tỏ, người dân Việt Nam thích ứng nhanh và sẵn sàng tham gia học tập trực tuyến, hình thành một tệp người dùng có tính chủ động, liên tiếp ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học cao hơn.


Với hơn 40% dân số thế giới kết nối Internet cá nhân, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, ông Nam đánh giá, thị trường giáo dục - đào tạo trực tuyến đang rất tiềm năng với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm. Ước tính, quy mô thị trường EdTech Việt Nam không dưới 2 tỷ USD.


Còn theo TS. Phạm Minh Tuấn, sáng lập viên, CEO Topica, năm 2020, thị trường E-learning toàn cầu sẽ tăng lên mức 252 tỷ USD và khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể chiếm 54% thị trường đại học trực tuyến toàn cầu. “Trong vòng 10 năm nữa, 50% sinh viên sẽ học đại học trực tuyến qua mạng”, ông Tuấn dự báo.


Tại Ngày hội Khởi nghiệp - Việt Nam Startup Day 2019 diễn ra cuối tháng 8/2019 - sự kiện quy tụ gần 200 dự án khởi nghiệp đến từ 11 quốc gia của 4 châu lục - đã có 12 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực E-learning của start-up Việt được giới thiệu.
Trong số này, có các dự án như: CleverTube (học tiếng Anh trên Youtube); Edu2Review (nền tảng đánh giá tín nhiệm cho các đơn vị giáo dục), Trạng (mô hình video giáo dục), Kid Up (ứng dụng phát triển trí thông minh cho trẻ), Lớp 6/7 TK (nền tảng hỏi đáp), Yêu là Đủ (cộng đồng giáo dục giới tính)…


Đua nhau đổ tiền vào E-learning


Start-up trong lĩnh vực giáo dục nổi tiếng toàn cầu mang đậm dấu ấn của người Việt Nam - GotIt! vừa thành công với khoản đầu tư 12,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư Mỹ sau khi hoàn thành đợt gọi vốn lần trước với hơn 10 triệu USD. GotIt! cũng đã trở thành đối tác của Microsoft Office - phần mềm, ứng dụng văn phòng, máy chủ và dịch vụ hàng đầu của Microsoft được hàng tỷ người dùng khắp thế giới sử dụng. Sự hợp tác này đã nâng GotIt! lên một tầm cao mới.


Cùng với GotiIt!, Elsa Speak - ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh của 2 cô gái Việt đã vượt qua 1.000 đối thủ trên toàn thế giới, đạt giải nhất cuộc thi dành cho các start-up về giáo dục - SXSWedu Launch. Elsa Speak đã gọi được hơn 15 triệu USD qua vài vòng gọi vốn và hiện có hơn 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên toàn thế giới, từng lọt vào top 5 các ứng dụng AI hàng đầu, cùng với các ứng dụng Cortana của Microsoft và Google Allo của Google…


Với tiềm năng lớn của giáo dục trực tuyến, tại Việt Nam hiện có hơn 100 start-up khai thác tiềm năng của thị trường này và có trên 2 triệu người đang tham gia nhiều chương trình học qua mạng.


“Không chỉ thu hút doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực E-learning tại Việt Nam còn hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore”, ông Nam cho biết.


Mới đây nhất, cuối tháng 8/2019, Everest Education, start-up Việt trong lĩnh vực giáo dục vừa gọi vốn thành công 4 triệu USD (Series B) từ Quỹ đầu tư tư nhân Hendale Capital có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Đầu tháng 8/2019, quỹ đầu tư chuyên về mảng giáo dục có trụ sở tại Singapore và Ấn Độ - Kaizen Private Equity công bố rót 10 triệu USD vào Yola, start-up cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.


Trước đó, tháng 1/2019, Quỹ đầu tư SEAF Women’s Opportunity Fund, CyberAgent Capital (CA Capital) và một số nhà đầu tư khác công bố rót vốn vào trang học trực tuyến Kyna. Đây là lần thứ hai Kyna nhận được đầu tư từ CyberAgent Capital, sau lần đầu tiên vào tháng 4/2016 với con số hàng chục triệu USD.


Cuối năm 2018, Tập đoàn Northstar (Singapore) rót 50 triệu USD vào Topica Edtech Group, khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại Đông Nam Á. Topica Edtech Group cung cấp các khóa học trực tuyến bằng tiếng Anh, với hơn 2.000 khóa học ngắn hạn và là nền tảng cho 12 trường đại học khu vực Đông Nam Á cung cấp chương trình giảng dạy, cấp bằng trực tuyến.


Tháng 4/2018, nền tảng đánh giá giáo dục, đặt chỗ khóa học trực tuyến Edu2Review đã nhận được khoản rót vốn từ Quỹ Nest Tech (Singapore). Khoản đầu tư này đã nâng định giá Edu2Review lên con số vài triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017.


Ông Phạm Minh Tuấn đánh giá, lĩnh vực EdTech đang tương đương vị thế của thương mại điện tử cách đây 10 năm, hay ứng dụng gọi xe của 5 năm về trước và hiện tại là thời gian chuẩn bị trước khi mọi thứ bắt đầu chuyển động chóng mặt.


Cùng nhận định, theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch Tập đoàn Hương Việt, “đây là thời điểm vàng để chúng ta biến mô hình E-learning trở nên phổ biến rộng khắp Việt Nam, bổ trợ cho các hình thức giáo dục truyền thống bấy lâu”.


Việt Nam đang bước vào thời kỳ vàng son phát triển giáo dục trực tuyến khi quy mô thị trường đạt tới 2 tỷ USD và chưa dừng lại. Điều này mở ra cơ hội rất lớn, nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng các mô hình, start-up trực tuyến có công nghệ ưu việt, mang lại trải nghiệm tối đa giá trị của những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam.